Cross Chain là gì?
Khi công nghệ blockchain ngày càng phát triển, các dự án với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ khác nhau lần lượt ra đời.
Vấn đề nảy sinh khi các blockchain ra đời và bùng nổ là chúng đang tồn tại một cách riêng lẻ. Trong khi đó, chúng có thể kế hợp và tận dụng các nguồn tài nguyên của nhau. Khi đó không chỉ thuận lợi cho người dùng mà còn cả các nhà phát triên Dapps.
Công nghệ chuỗi chéo (Cross Chain) ra đời để giải quyết việc tương tác giữa các Blockchain với nhau. Trong bài viết này, hãy cùng Beat Tiền Ảo tìm hiểu công nghệ này là gì nhé.
Thực trạng blockchain hiện tại
Bitcoin là blockchain đầu tiên và lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Đây được coi như là blockchain thế hệ 1 vì nó chỉ sử dụng cho các giao dịch chuyển đổi tiền tệ, kiều hối và hệ thống thanh toán kỹ thuật số. Bitcoin sử dụng thuật toán SHA-256. Ngay sau thời điểm Bitcoin ra mắt không lâu, một dự án khác được hình thành với tên gọi Ethereum. Nó được xem như là blockchain thế hệ 2 với mã băm Ethash, giúp đưa các ứng dụng tài chính vào thị trường.
Tạm dừng công nghệ ở đó, hãy nhìn vào một ví dụ. Giả sử bạn mua một món đồ gì đó khi đi du lịch nước ngoài. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như bạn dùng tiền VND để thanh toán, khi mà nơi đó chỉ chấp nhận USD? Tất nhiên là bạn sẽ không thể mua được. Giải pháp là bạn sẽ quẹt thẻ và thanh toán bằng USD cho người bán. Sau đó ngân hàng phát hành thẻ sẽ đối soát và trừ một lượng VND ứng với tỷ giá trao đổi quy định. Đấy là cách vận hành của mô hình tài chính truyền thống.
Nhưng với blockchain thì lại không như vậy? Bạn không thể dùng ETH để thanh toán khi mà nơi bán chỉ chấp nhận BTC. Đơn giản bởi vì không có một công cụ nào giúp họ quy đổi từ ETH-BTC ngay lúc đấy cả. Nếu họ muốn sở hữu BTC, bạn cần phải chuyển đổi ETH.
Blockchain được sinh ra với mong muốn để giải quyết các vấn đề khác nhau. Nhưng đáng tiếc là chúng lại phát triển một cách độc lập và thiếu sự giao tiếp giữa các nền tảng với nhau. Chính điều này đã gây ra những bất tiện cho người dùng kể trên. Như vậy tóm gọn lại, chúng ta có thể dễ dàng thấy được các blockchain hiện tại có một số nhược điểm như sau:
- Sự cô lập: Không có một sự tương tác qua lại giữa các nền tảng. Hay nói cách khác các blockchain không có sự giao tiếp với nhau.
- Kìm hãm sự phát triển của DeFi: Việc thiếu tương tác đó đã kìm hãm sự phát triển của DeFi nói riêng. Các nhà đầu tư Bitcoin hay các đồng tiền ảo khác gần như không thể tham gia vào thế giới DeFi đầy thú vị.
Như vậy có thể thấy chính sự cô lập và thiếu tương tác đó là tác nhân khiến blockchain không phát triển nhanh được. Và công nghệ Cross Chain sẽ giúp chúng ta giải quyết được vấn đề này.
Cross Chain là gì?
Cross Chain là công nghệ giúp tăng khả năng tương tác giữa hai hay nhiều blockchain với nhau. Kể cả trường hợp những blockchain đó khác nhau hoàn toàn về công nghệ, mã băm… Với sự xuất hiện của Cross Chain, một đồng coin bất kỳ được tạo ra ở blockchain A có thể dễ dàng được chuyển đổi sang blockchain B.
Thông qua khái niệm về Cross Chain, bạn có thể thấy tìm ra giải pháp sử dụng ETH để thanh toán ở những nơi chỉ chấp nhận BTC với ví dụ trên.
Các dự án Cross Chain
Các dự án Cross Chain tiềm năng đáng phải kể đến như sau:
- Binance Smart Chain
- Wormhole (Solana)
- Coin98.
- Anyswap.
- Kylin.
- Cosmos Blockchain.
- Graviton.
Ưu điểm và nhược điểm của công nghệ Cross Chain
Ưu điểm
- Tăng khả năng tương tác: Cross Chain giúp các blockchain có thể tương tác qua lại với nhau. Việc tương tác qua lại này có thể giúp kết hợp sức mạnh của từng nền tảng để mang lại một giải pháp về blockchain hoàn chỉnh.
- Hiệu quả: Bitcoin có thể được sử dụng rộng rãi trong các giao thức DeFi của Ethereum mà không gặp bất kỳ rào cản nào. Như vậy có nghĩa là một lượng lớn thanh khoản có thể dễ dàng tạo ra và di chuyển trong các nền tảng blockchain khác nhau.
- Tăng ứng dụng thực tiễn: Khi mà các blockchain có thể tương tác với nhau một cách dễ dàng, việc trao đổi giữa các đồng coin sẽ trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.
Nhược điểm
Nhược điểm lớn nhất đến thời điểm hiện tại có lẽ đó chính là vấn đề về công nghệ. Cross Chain dường như vẫn còn quá mới mẻ. Các giải pháp về Cross Chain được tạo ra vẫn chưa thể tạo sự giao tiếp một cách hiệu quả. Hơn nữa bản thân các blockchain riêng lẻ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Do đó, có lẽ để đạt được hiệu quả đến mức tối ưu thì nó sẽ cần thời gian hơn nữa để phát triển và hoàn thiện.
Như vậy, xét theo quan điểm cá nhân thì Cross Chain có lẽ sẽ là xu hướng trong tương lai. Chúng ta có thể chia blockchain ra thành nhiều giai đoạn. Nếu như ta coi giai đoạn 1 là việc hình thành ý tưởng và các giải pháp blockchain nền tảng. Thì ở giai đoạn 2 sẽ là việc kết hợp và tạo ra sự tương tác giữa các blockchain này lại với nhau. Hay nói cách khác, blockhain với khả năng tương tác đa chuỗi có thể xem như đây là blockchain Layer 2.
Các dạng Cross Chain cơ bản
Dựa theo yếu tố công nghệ, Cross Chain có thể được chia thành hai dạng: Chuỗi chéo đẳng hình (Isomorphic Cross Chain) và Chuỗi chéo không đồng nhất (Heterogeneous Cross Chain).
Isomorphic Cross Chain
Đối với Isomorphic Cross Chain, cơ chế bảo mật, thuật toán đồng thuận, cấu trúc liên kết mạng và logic xác minh tạo khối là nhất quán và tương tác chuỗi chéo giữa chúng tương đối đơn giản. Những chuỗi nào phát triển dựa trên Tendermint như Cosmos có thể áp dụng Isomorphic Cross Chain. Các bạn có thể hiểu cơ chế đơn giản của nó như thế này.
Giả sử chúng ta có hai chuỗi A và B. Để có thể chuyển giao được tài sản qua lại giữa hai chuỗi này, điều đầu tiên là chúng cần phải được đăng ký với nhau trước đã. Chúng làm điều này bằng cách gửi khối gốc (genesis block) và ChainID cho nhau để xác nhận. Tiếp đó người dùng sẽ gửi một giao dịch Cross Chain packageTx đến A để yêu cầu gửi sang B. Chuỗi A sẽ tiếp nhận yêu cầu và thông báo với chuỗi B về sự kiện này.

Heterogeneous Cross Chain
Heterogenous Cross Chain sẽ phức tạp hơn so với Isomorphic. Bởi lẽ, nó có sự không đồng nhất về cơ chế an ninh, thuật toán đồng thuận giữa các chuỗi với nhau. Về cơ chuyển giao nó cũng diễn ra tương tự như isomorphic Cross Chain. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề không đồng nhất đó thì giải pháp sử dụng một nền tảng dịch vụ của bên thứ ba được áp dụng để lưu trữ giao dịch.
Giả sử trong trường hợp của Cosmos, với những chuỗi không đồng nhất như thế này, PegZone hay Peggy là dịch vụ thứ ba mà mình vừa nói tới. Một PegZone này sẽ gồm năm phần: Hợp đồng thông minh, Witness, PegZone, Signer, Relayer. Nó sẽ thực hiện sự chuyển đổi giữa các chuỗi ở đây.

Nhìn chung, chính sự khác nhau giữa các chuỗi đã tạo ra những dạng Cross Chain khác nhau. Có lẽ đây chính là lý do tại sao công nghệ Cross Chain trở nên khó phát triển hơn. Bản thân mỗi dự án, mỗi công nghệ Cross Chain cần phải xử lý đồng thời cả hai trường hợp này. Đa phần vấn đề nằm ở sự không đồng nhất giữa các chuỗi với nhau và Cross Chain cần phải xử lý để có thể thích ứng với tất cả.
Các hình thức tương tác của các blockchain hiện tại
Giao tiếp tập trung
Đây là cách nguyên thuỷ nhất mà chúng ta vẫn làm từ khi blockchain xuất hiện. Đó là sự xuất hiện của các sàn giao dịch tiền điện tử. Chúng ta bỏ tiền ra để sở hữu một loại tiền điện tử nhất định. Sau đó, chúng ta giao dịch mua/bán nó để đổi lấy một loại tiền khác.
Cách này quá phức tạp và đương nhiên nó không khác gì giao dịch truyền thống cả. Hơn nữa, khi mà blockchain càng ngày càng được công nhận thì bạn còn có thể sở hữu tiền điện tử ngay trên tài khoản Paypal của mình mà không cần đến các sàn giao dịch truyền thống nữa. Do đó, trên thực tế đây cũng không hẳn là một giải pháp tối ưu hoàn toàn cho vấn đề này.
Atomic Swap
Atomic Swap (Hoán đổi Nguyên tử) về cơ bản là một loại cơ chế trao đổi giá trị chuỗi chéo, giúp cho người dùng có thể thực hiện trao đổi các loại tiền điện tử của họ. Nguyên lý của nó dựa vào một dạng hợp đồng có khoá thời gian gọi là HTLC (Hashed TimeLock Contracts).
Hãy hình dung HTLC giống như một người trung gian đưa thư vậy. Nếu như bạn cần hoán đổi một token A sang một token B thì cùng lúc sẽ đặt cả 2 token đó vào HTLC. Sau đó, HTLC sẽ thực hiện một giao dịch di chuyển giá trị trên mạng. Như vậy, thực tế sẽ không có bất kỳ hình thức giao tiếp Cross Chain nào xảy ra ở đây cả.
Wrapped Token
WBTC là một dạng đầu tiên của thế hệ token bao bọc (wrapped token). Về cơ bản thì WBTC là một ý tưởng hoán đổi đồng Bitcoin thành một dạng token ERC-20 để sử dụng trên mạng Ethereum.
Như vậy Wrapped Token là một hình thức tương tác qua lại giữa các blockchain với nhau. Nhưng xét theo một khía cạnh nào đấy thì đây cũng có vẻ như chỉ là một giải pháp “tạm thời”.

pTokens
pTokens là một dự án của Provable Things phát triển. Tất cả các pTokens đều được gắn một cách minh bạch vào một tài sản cơ bản. Bất kỳ ai cũng có thể gửi vào hợp đồng thông minh pTokens có liên quan một số tiền nhất định của tài sản cơ bản (chẳng hạn như EOS hoặc BTC) và yêu cầu đại diện pTokens được chốt tỷ lệ 1:1 tương đương (chẳng hạn như pEOS hoặc pBTC).
Như vậy, về cơ bản thì pTokens cũng không khác WBTC là mấy. Có chăng thì pTokens có sự đa dạng hoá hơn mà thôi. Nhưng về mấu chốt vấn đề là nó vẫn được quản lý tập trung bởi một công ty.
Tương lai của Cross Chain
Nhu cầu tương tác giữa các Blockchain sẽ ngày càng trở nên cần thiết hơn. Đặc biệt là khi các ứng dụng DeFi ngày càng mở rộng như hiện nay. Blockchain nói chung và DeFi nói riêng đang làm thay đổi cách thức vận hành của cuộc sống hiện tại. Hay nói đúng hơn là nó đưa toàn bộ mô hình vận hành tập trung hiện tại (ngân hàng, ứng dụng,…) lên nền tảng blockchain. Từ đó giúp giải quyết các yếu điểm của các mô hình tập trung kia (sự tập trung hoá, chi phí cao, thời gian giao dịch lâu,…).
Tuy nhiên, nếu không thiết lập khả năng tương tác Cross Chain, DeFi có lẽ mãi mãi sẽ vẫn ở giai đoạn sơ khai. Hãy coi mọi blockchain đơn lẻ như một nền kinh tế riêng biệt. Nếu các nền kinh tế này không thể làm việc với nhau, toàn bộ hệ sinh thái không thể phát triển và tiếp quản thế giới tài chính truyền thống.
Thế giới của DeFi dần nóng lên từng ngày thể hiện qua lượng tiền đổ vào các giao thức DeFi ngày càng tăng. Khi mà WBTC ra đời, tính đến thời điểm hiện tại hơn 1 tỷ USD giá trị BTC bị khoá trong các giao thức DeFi. Hãy thử tưởng tượng nếu như công nghệ Cross Chain phát triển, giao tiếp giữa các blockchain trở nên đơn giản hơn thì con số này chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại tại đó.
Nhiều dự án theo đuổi về công nghệ Cross Chain cũng đã thực sự hình thành dựa trên viễn cảnh này. Có thể nói chúng sẽ giúp cách mạng hóa thế giới DeFi. Đồng thời với đó, nó sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển và áp dụng, mở đường cho hệ thống tài chính mới với một sự giao tiếp dễ dàng giữa các nền tảng blockchain hiện nay.