Game blockchain là gì?
Game blockchain là gì?
Game blockchain là một trò chơi điện tử kết hợp các yếu tố sử dụng công nghệ blockchain, bao gồm tiền mã hóa và token không thể thay thế (NFT). Các trò chơi này cho phép người chơi mua, bán hoặc trao đổi các vật phẩm trong trò chơi với những người chơi khác. Các nhà phát triển thu lợi nhuận từ việc bán vật phẩm và thu phí giao dịch.
Một nhóm chủ đạo của game blockchain là các game play to earn (chơi để kiếm tiền). Chúng bao gồm các trò chơi cho phép người chơi kiếm tiền mã hóa thông qua trò chơi.

Xu hướng game blockchain
Các trò chơi kết hợp công nghệ blockchain đã phát triển từ năm 2017, và thực sự thành xu hướng game blockchain vào năm 2020.
Trò chơi đầu tiên được biết đến sử dụng công nghệ blockchain là CryptoKitties, được ra mắt bởi Axiom Zen vào tháng 11 năm 2017 cho máy tính cá nhân. Người chơi sẽ mua NFT bằng đồng tiền ảo ETH, mỗi NFT bao gồm một con vật cưng ảo mà người chơi có thể lai tạo với những người khác để tạo ra con cái mới, 1 NFT mới có các đặc điểm kết hợp. Trò chơi đã gây chú ý vào tháng 12 năm 2017 khi một vật nuôi ảo được bán với giá hơn 100.000 USD.
CryptoKitties cũng cho thấy các vấn đề về khả năng mở rộng đối với các trò chơi trên mạng blockchain Ethereum khi nó đã tạo ra sự tắc nghẽn đáng kể trên mạng Ethereum ngay sau khi ra mắt, với khoảng 30% tổng số giao dịch Ethereum tại thời điểm này là cho trò chơi và với sự tắc nghẽn làm chậm giao dịch của người chơi. Axiom Zen lo sợ rằng Ethereum sẽ gặp khó khăn hơn nữa sau khi họ tung ra phiên bản di động của trò chơi, đặc biệt là với một lượng lớn người dùng từ Trung Quốc.
Axie Infinity, được phát hành vào năm 2018 bởi Sky Mavis, là một ví dụ thành công về trò chơi play to earn. Trong đó trò chơi khuyến khích người chơi mua và nâng cấp NFT thông qua các hoạt động trong trò chơi, sau đó có thể bán lại cho những người chơi khác, người chơi cũng kiếm được tiền thưởng bằng tiền ảo khi tham gia các hoạt động nuôi, chăm sóc, chiến đấu trong game. Ở Philippines, nơi Axie Infinity phổ biến nhất, một số người chơi đã có thể kiếm đủ tiền sinh hoạt bằng cách chơi trò chơi này hàng ngày.
Tuy nhiên, sau một vụ hack vào đầu năm 2022, 600 triệu USD đã bị đánh cắp từ nhà phát hành Axie Infinity, trò chơi đã chứng kiến sự sụt giảm lớn về lượng người chơi. Sky Mavis đã không còn tiếp thị mình như 1 trò chơi play to earn nữa khi các token trong game đã giảm sâu giá trị.
Những game blockchain nổi tiếng khác có thể kể đến như: Sandbox, Decentraland, Illuvium, Gods Unchained, My Defi Pet, Highstreet, Wanaka Farm, Aliens World, MyNeighborAlice, …
Khác biệt của game blockchain với game truyền thống là gì?
Với game truyền thống, mọi thành phần đều được lưu trữ và quản lý tập trung tại hệ thống máy chủ. Nhà phát hành có thể chủ động thay đổi mọi thứ trong game.
Với game blockchain sẽ khác, dữ liệu sẽ lưu trữ phân tán nhờ công nghệ blockchain. Cộng đồng người chơi sẽ làm chủ game, thông qua lượng token nắm giữ, người chơi có toàn quyền quyết định các sản phẩm của mình và các thay đổi trong game đều phải dựa trên biểu quyết của cả cộng đồng.
Game blockchain có thể chạy hoàn toàn trên blockchain nhưng sẽ bị giới hạn về ý tưởng, cách triển khai và tốn kém chi phí khi chơi game do phải thực hiện giao dịch on-chain. Vì thế, nhà phát hành game blockchain thường kết hợp cả hai: phần thanh khoản sẽ trên blockchain (on-chain) và phần giải trí game sẽ là off-chain.
Phân biệt Metaverse và game blockchain
Metaverse là khái niệm rộng hơn game blockchain. Trong metaverse, người dùng không chỉ chơi game mà còn nhiều hoạt động mô phỏng xã hội thực khác như tương tác, mua sắm, đầu tư, kinh doanh, …
Phân biệt game blockchain và GameFi
Mọi GameFi đều là game blockchain, nhưng ngược lại thì không. GameFi chỉ là 1 dạng của game blockchain, hướng tới mục tiêu tài chính phi tập trung (Game và Finance).
Còn game blockchain có thể hướng tới nhiều mục đích khác.
Các thành phần chính của game blockchain
Game blockchain có 2 thành phần chính: Token và NFT
Token
Token là đồng tiền ảo lưu hành đóng vai trò là tiền tệ trong game. Token được nhà phát hành game tạo ra trên nền tảng của 1 mạng blockchain như Ethereum, BNB Chain hay Solana, …
Người chơi có thể mua token này ngay từ vòng private sale để có giá siêu rẻ, IEO hoặc mua bán trên các sàn giao dịch CEX, DEX hoặc trên chính nền tảng game (cần kết nối với ví tiền ảo).
Token trong game blockchain cũng được phát như phần thưởng tại các sự kiện.
Đa phần các game blockchain đều phát hành token riêng song hành cùng với đồng coin chính của mạng blockchain.
NFT
NFT là viết tắt của Non-fungible token, nghĩa là token không thể thay thế. Trong game blockchain, NFT là các đối tượng trong game như nhân vật, đất đai, nhà cửa, đồ đạc, … NFT mang tính đơn nhất, không token nào giống token nào. Do vậy, tài sản bạn sở hữu sẽ có tính độc đáo và giới hạn, qua đó các vật phẩm sẽ tăng giá trị.
Đặc điểm của game blockchain là gì?
- Tính minh bạch: Mọi hoạt động từ giao dịch, nâng cấp, sửa đổi trong game đều được kiểm soát bởi blockchain, mọi thứ sẽ rõ ràng, không gian lận và cộng đồng có thể kiểm tra.
- Tính phân tán: Mọi thành phần trong game đều được lưu trữ phân tán, không tập trung tại 1 máy chủ nào. Qua đó cộng đồng được tăng quyền kiểm soát và quyết định trong game.
- Tính kinh tế: Mỗi game đều có 1 hoặc nhiều đồng tiền ảo có giá trị quy đổi ra tiền pháp định. Người chơi có nhiều cách kiếm lợi nhuận từ game blockchain như nắm giữ, stake, nâng cấp vật phẩm, trao đổi ngang hàng …
- Tính an toàn: Do đặc tính phân tán của blockchain, cộng đồng game càng phát triển, hệ thống game càng khó bị phá vỡ hay tấn công.
- Phương thức thanh toán: Với game truyền thống, chỉ có 1 phương thức thanh toán bằng tiền pháp định và ngân hàng. Với game blockchain, thanh toán sẽ được thực hiện qua mạng blockchain, bảo mật cao hơn, thanh khoản linh động hơn, riêng tư hơn.
Để chơi game blockchain bạn cần chuẩn bị gì?
- Kiến thức cơ bản về blockchain, tiền mã hóa: Bạn có thể đọc trên Beat Tiền Ảo, có rất nhiều kiến thức từ cơ bản tới nâng cao về lĩnh vực này.
- Tiền trong thẻ ngân hàng: Đa phần các game đều cần bạn mua vật phẩm thời điểm đầu, do vậy tiền hay số vốn ban đầu là không thể thiếu.
- Ví tiền ảo: Để chơi game blockchain, ví được sử dụng phổ biến nhất vẫn là ví Metamask. Khi bạn vào game, sẽ có nút Kết nối (Connect). Bạn cần kết nối ví này vào nền. Ví sẽ là nơi chưa toàn bộ tài sản trong game của bạn.
- Tài khoản sàn giao dịch: Thông thường bạn cần mua coin, thường là ETH và BNB trên các nền tảng sàn giao dịch, phổ biến là Binance. Bạn dùng tiền trong thẻ ngân hàng để mua coin. Sau đó chuyển coin đến ví Metamask để mua bán các vật phẩm trong game.
Bạn có thể xem hướng dẫn Binance tại đây.
Làm game blockchain như thế nào?
Với các nhà phát triển, Tạo ra 1 game blockchain thành công là 1 quá trình phức tạp, dày công và cả vốn nữa. Có các bước cơ bản như sau:
Bước 1: Lên ý tưởng
Xác định thể loại, đối tượng hướng tới, cốt truyện, nội dung game, tên gọi, … Ở bước này mọi thứ cần cơ bản và có định hướng rõ ràng. Các chi tiết sẽ triển khai cụ thể trong quá trình phát triển.
Bước 2: Thiết kế Gameplay
- Cần trả lời được rằng điều gì giúp giữ chân người chơi? Giá trị cốt lõi của game?;
- Đối tượng hướng tới?
- Môi trường triển khai;
- Thiết kế độ khó trong game
- Thiết kế động lực thu hút người chơi mới;
- Thiết kế mô hình kinh tế trong game;
- …
Những nhà đầu tư thường sẽ nhìn vào hồ sơ thiết kế game để đánh giá được tiềm năng của game rồi đưa ra quyết định có đầu tư hay không.
Bước 3: Vốn
Mọi dự án hoạt động được cần có vốn và kiếm được lợi nhuận. Đội ngũ cần tính toán kỹ lưỡng các chi phí trong từng giai đoạn và mô hình kinh doanh của game để có thể hoạch gọi vốn hợp lý.
Bước 4: Xây dựng cộng đồng
Việc này cần được tiến hành song song với quá trình phát triển game. Trước khi ra mắt hoặc token niêm yết trên các sàn giao dịch lớn hoặc huy động vốn, game cần có sẵn 1 cộng động đủ lớn mạnh.
Bước 5: Phát hành NFT. Người chơi sẽ mua NFT, và nhà phát triển có tiền để đầu tư lại vào game.
Bước 6: Phát hành token. Cân nhắc chọn các mạng blockchain phù hợp.
Bước 7: Phát hành game ra thị trường.
Hạn chế của game blockchain
Khả năng mở rộng
Các game blockchain hiện nay đều ít nhiều đều gặp vấn đề về tốc độ xử lý. Điều này phụ thuộc nhiều vào tốc độ mạng blockchain mà game đó đang hoạt động.
Lấy ví dụ với mạng Ethereum có tốc độ xử lý khoảng 15s/ giao dịch, đây là một con số khá khiêm tốn so với mặt bằng chung của các tựa game khác trên thị trường.
Vấn đề này cũng đã được khắc phục bằng các giải pháp mạng blockchain layer 2 hoặc các mạng blockchain mới khác như BNB Chain, Solana hay Avalanche với tốc độ nhanh hơn, rẻ hơn.
Tuy vậy, thách thức của các mạng blockchain mới vẫn cần kiểm chứng khi game blockchain bùng nổ hơn nữa trong tương lai.
Sự nhận biết của thị trường
Vì là game kết hợp với các yếu tố blockchain, tiền mã hóa, nên với nhiều người nó vẫn còn khá khó hiểu và không thân thiện.
Do vậy, cũng ảnh hưởng tới sự phổ cập trong cộng đồng game nói chung.
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
Đa phần các game blockchain hiện nay có gameplay chưa thể sánh kịp với các game truyền thống. Đồ họa, cốt truyện trong game blockchain còn sơ sài, nhiều hạn chế.
Điều đó cho thấy rằng nguồn nhân lực cho lĩnh vực này vẫn còn khá hạn chế và chưa quá nổi bật.
Ngành game blockchain dự kiến sẽ cần thu hút nhiều kỹ sư IT chất lượng cao, cùng các nhà phát triển đồ họa, nội dung giỏi. Đây cũng là 1 ngành đã và đang có mức lương cao hàng nghìn USD/tháng.
Danh sách game blockchain
Token của các Game Blockchain hiện đã đạt mức hơn 10 tỷ USD vốn hóa, cùng khối lượng giao dịch hơn 3 tỷ USD/24h. Beat Tiền Ảo sẽ điểm qua các dự án game blockchain nổi bật nhất hiện tại.
#1. Sandbox
Website: https://www.sandbox.game/en/
Users: 1.000~3.000 người chơi mỗi ngày.
Vốn hóa SAND: 1,3 tỷ USD
Ra mắt vào năm 2011 bởi Pixowl, The Sandbox là một thế giới ảo dựa trên blockchain cho phép người dùng tạo, xây dựng, mua và bán tài sản số dưới dạng một trò chơi. Bằng cách kết hợp sức mạnh của các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) và NFT Sandbox tạo ra một nền tảng phi tập trung cho một cộng đồng trò chơi phát triển mạnh.
Nền tảng này tập trung vào việc tạo điều kiện cho mô hình “chơi để kiếm tiền” sáng tạo, cho phép người dùng đồng thời là người sáng tạo và người chơi.
#2. Decentraland
Webiste: https://decentraland.org/
Users: 1.000~3.000 người chơi mỗi ngày.
Vốn hóa MANA: 1,3 tỷ USD
Decentraland (MANA) là một nền tảng thực tế ảo được hỗ trợ bởi Ethereum blockchain cho phép người dùng tạo, trải nghiệm và kiếm tiền từ nội dung và ứng dụng.
Trong thế giới ảo này, người dùng mua các mảnh đất mà sau này họ có thể điều hướng, xây dựng và kiếm tiền.

#3. Axie Infinity
Website: https://axieinfinity.com/
Users: 100.000 ~ 700.000 người chơi mỗi ngày.
Vốn hóa AXS: 1 tỷ USD
Axie Infinity là một trò chơi chiến đấu và giao dịch dựa trên blockchain được sở hữu và vận hành một phần bởi người chơi.
Lấy cảm hứng từ các trò chơi nổi tiếng như Pokémon và Tamagotchi, Axie Infinity cho phép người chơi thu thập, lai tạo, nuôi, chiến đấu và giao dịch các sinh vật được gọi là Axies.
#4. STEPN
Website: https://www.stepn.com/ ứng dụng có sẵn trên iOS và Android
Users: 100.000~700.000 người chơi mỗi ngày
Vốn hóa GMT: 400 triệu USD.
STEPN là dạng game move to earn trên blockchain Solana. Người chơi tải game về điện thoại, mua các dày NFT và chạy bộ. Với định vị GPS, người chơi sẽ kiếm được tiền từ việc chạy bộ, mua bán hoặc cho thuê lại giày.
#5. Aliens World
Website: https://play.alienworlds.io/
Users: 100.000~700.000 người chơi mỗi ngày
Vốn hóa TLM: 70 triệu USD
Alien Worlds (TLM) là một metaverse với các token, NFT. Nơi người chơi cạnh tranh để giành lấy các nguồn tài nguyên khan hiếm, Trilium (TLM), trong một nền kinh tế được kích thích tập trung xung quanh các thế giới hành tinh. Do đó, Alien Worlds cũng có yếu tố tài chính phi tập trung (DeFi) cho trò chơi, khi người chơi nâng cấp bằng cách đặt TLM và sử dụng TLM để bỏ phiếu trong các Tổ chức tự trị phân cấp hành tinh (DAO).
#6. MyNeighborsAlice
Website: https://www.myneighboralice.com/
Users: 1.000~10.000 người chơi mỗi ngày
Vốn hóa ALICE: 60 triệu USD
My Neighbor Alice là một trò chơi xây dựng để kiếm tiền theo chủ đề nông nghiệp được xây dựng trên Chromia. Người chơi có thể mua và sở hữu các hòn đảo ảo, thu thập và xây dựng các vật phẩm thú vị đồng thời kết bạn mới. Mỗi người chơi có hình đại diện riêng đại diện cho họ trong trò chơi, họ có thể sửa đổi hình đại diện theo ý muốn. Người chơi có thể mua bất động sản ảo từ Alice, nhân vật trung tâm cùng tên của trò chơi hoặc thị trường nội bộ. Tất cả đất đã mua được lưu dưới dạng NFT.
#7. Highstreet
Website: https://highstreet.market/
Users: 1.000~3.000 người chơi mỗi ngày
Vốn hóa HIGH: 21 triệu USD
Highstreet là 1 vũ trụ ảo kết hợp Play to earn cùng các nền tảng mua sắm, NFT, gaming, các thương hiệu truyền thống và tiền mã hóa trong 1 game MMOPRG.
#8. Wanaka Farm
Webiste: https://wanakafarm.com/download game có sẵn trên máy tính và điện thoại.
Users: 1.000~3.000 người chơi mỗi ngày
Vốn hóa WANA: 10 triệu USD
Wanaka Farm là 1 game do người việt tạo ra. Trong game người chơi sẽ thực hiện việc mua đất làm trang trại và thu lợi nhuận từ trồng trọt, chăn nuôi.