Ponzi là gì? Mô hình Ponzi lừa đảo như thế nào?
Ponzi là một mô hình lừa đảo phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới. Charles Ponzi là người đầu tiên áp dụng cách này. Ponzi có thể biến tướng dưới nhiều hình thức, nhiều vỏ bọc, tuy vậy mục đích chính vẫn là kiếm tiền bất chính. Vậy mô hình Ponzi là gì? Ponzi lừa đảo như thế nào? Dấu hiệu nhận biết ra sao? Beat Tiền Ảo sẽ cùng các bạn tìm hiểu nhé.
Có thể bạn quan tâm:
Mô hình Ponzi là gì?
Mô hình Ponzi là hình thức huy động vốn đầu tư của người sau để chi trả lãi cho người trước. Kẻ đi huy động vốn thường dụ dỗ các nhà đầu tư với cam kết lợi nhuận siêu hấp dẫn.
Không những được cam kết lợi nhuận do chính số tiền bỏ ra, nhà đầu tư còn nhận được hoa hồng hấp dẫn từ việc mời người khác tham gia mạng lưới của chính mình.
Cứ như vậy, hình thành lên mô hình Ponzi. Trong mô hình này, người đầu mạng lưới có lãi nhất. Những người càng về sau càng chịu thiệt.

Các hình thức của mô hình lừa đảo đa cấp Ponzi ngày nay rất đa dạng: Đa cấp đầu tư tiền ảo, Đa cấp bán hàng, kinh doanh đa cấp 1 sản phẩm nào đó, đầu tư tài chính, mua bảo hiểm đa cấp, …
Nguồn gốc của mô hình Ponzi
Mô hình Ponzi được đặt theo tên của Charles Ponzi hay Carlo Ponzi (phát âm theo tiếng Ý). Mô hình này được mô tả đầu tiên trong tiểu thuyết Martin Chuzzlewit năm 1844 và Little Dorrit năm 1857 của Charles Dickens.

Năm 1919, Charles Ponzi đã áp dụng nó vào thực tế. Và ông nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp nước Mỹ.
Ban đầu, dưới hình thức công ty “Securities Exchange Company”, ông ta hứa sẽ trả lãi 50% trong 45 ngày hoặc 100% trong 90 ngày. Do thành công trong kế hoạch tem bưu chính, các nhà đầu tư ngay lập tức bị thu hút. Thay vì thực sự đầu tư tiền, Ponzi chỉ phân phối lại và nói với các nhà đầu tư rằng họ đã kiếm được lợi nhuận.
Chương trình này kéo dài đến tháng 8 năm 1920, khi The Boston Post bắt đầu điều tra công ty của Ponzi. Sau đó, Ponzi đã bị chính quyền liên bang bắt giữ vào ngày 12 tháng 8 năm 1920 và bị buộc tội với nhiều tội danh lừa đảo.
Nhờ cú lừa thế kỷ này, chỉ trong vòng 2 năm (1919 – 1920) Ponzi đã lừa được 15 triệu USD – một con số khổng lồ thời điểm đó. Với hàng vạn khách hàng bị lừa và 6 ngân hàng phá sản.
Các thành viên trong mô hình Ponzi
- Schemer: Đây là kẻ cầm đầu xây dựng mô hình lừa đảo Ponzi. Họ luôn xuất hiện với vẻ ngoài hào nhoáng, thành công và được cho là triệu phú, tỷ phú USD.
- Investors: Là những người có tiền nhưng ít hiểu biết, muốn có 1 công việc hoặc kênh đầu tư lợi suất cao mà ít phải tốn công sức.
- Ponzi Introducing Investor: là những người tham gia mô hình lừa đảo Ponzi chủ yếu để đi tuyển người tuyến dưới, họ thường không bỏ vốn hoặc bỏ rất ít vào hệ thống. Tiền họ thu về đến từ những nhà đầu tư bị lừa được giới thiệu vào hệ thống.
Schemer là người giàu nhất trong hệ thống, và sau đó là các cấp bên dưới, càng là người dưới trong mô hình thì càng chịu rủi ro. Mô hình sẽ sập khi không có Investor mới vào để nuôi cả 1 hệ thống phía trên.
Dấu hiệu nhận biết lừa đảo đa cấp Ponzi
Các hình thức lừa đảo đa cấp kiểu Ponzi thường có các đặc điểm sau:
- Lợi nhuận siêu khủng
- Trả lãi bất kể làm ăn ra sao, thị trường diễn biến thế nào
- Trả lãi và hoa hồng khi bạn mời tiếp người khác cho họ
- Hoạt động đầu tư chưa được đăng ký cấp phép bới Nhà nước
- Chiến lược hay sản phẩm không rõ ràng hoặc quá phức tạp để hiểu
- Nhà đầu tư gặp khó khi muốn rút lại số tiền đã đầu tư
Các hình thức biến tướng của lừa đảo Ponzi
Ngày nay, mô hình lừa đảo Ponzi đã biến tướng dưới nhiều hình thức, vỏ bọc tinh vi hơn, tựu chung vẫn là lừa đảo những nhà đầu tư ít hiểu biết. Beat Tiền Ảo có thể điểm qua vài biến thể của mô hình quái ác này.
Ví tiền ảo với lãi suất cao
Những kẻ lừa đảo sẽ tạo ra 1 ứng dụng, 1 nền tảng gửi tiền tiết kiệm, có thể là tiền ảo hoặc tiền thật, với các mức lãi suất không tưởng. Cao hơn nhiều lần lãi suất tiết kiệm ngân hàng.
Bản chất vẫn là lấy tiền người sau trả cho người trước.
Ví dụ: Exxa Wallet, S3 Wallet, …
Sàn giao dịch, forex, crypto lừa đảo
Các đối tượng lừa đảo sẽ tạo ra các sàn giao dịch có thể là cổ phiếu, crypto hay forex và hứa hẹn người chơi nhận các mức lãi suất cao và ổn định, các lệnh copy trade luôn luôn thắng nhờ có đội ngũ “chuyên gia” đứng đằng sau chơi giúp.
Thực tế, đội ngũ “chuyên gia” này mà giỏi như vậy thì các quỹ đầu tư lớn trên thế giới trải thảm đỏ mời về rồi. Bản chất vẫn là lấy tiền người sau chia người trước.
Ví dụ: Wefinex, Lion Team, Deniex, Binanex (giả mạo tên của Binance – sàn uy tín số 1 thế giới), …
Tạo ra đồng coin rác, token rác
Những kẻ đa cấp sẽ tạo ra các đồng coin/token rác và thổi phồng nó như là 1 đồng coin/token ưu việt, có khả năng tăng giá nhiều lần, tương lai sẽ sánh ngang các đồng tiền ảo lớn như Bitcoin, Ethereum, BNB, …
Thực tế coin rác vẫn là coin rác, chẳng có giá trị gì, thậm chí giá của các đồng tiền ảo rác này có thể được tự ý thay đổi từ người tạo ra nó.
Để thu hút, các đồng coin này sẽ đưa ra các gói đầu tư với lãi suất khủng.
Bản chất vẫn tiền người sau trả cho người trước, ôm 1 đống coin rác rồi không có cách nào để quy ra tiền được.
Ví dụ: Cloud token, Ilcoin, …
Cố phiếu rác, trái phiếu rác
Tương tự, những kẻ lừa đảo tạo ra các công ty làm ăn yếu kém hoặc thổi phồng về mô hình kinh doanh của mình, vẽ ra các dự án trên giấy, dự án bất khả thi, … mục đích nhằm bán trái phiếu, cổ phiếu rác.
Những người bị lừa sau khi ôm 1 mớ trái phiếu, cổ phiếu rác đó sẽ không thể bán ra để lấy tiền được. Và cũng chẳng có đồng lãi nào.
Ví dụ: Cổ phiếu Nhật Nam, Trái phiếu Vsetgroup, Skyway, Goldtime Coffee…
Bán hàng theo hệ thống
Đây là hình thức phổ biến, đặc biệt thu hút rất đông các chị em có gia định tham gia.
Bạn sẽ được tham gia vào 1 hệ thống bán hàng, được đào tạo về tiếp thị, đánh bóng tên tuổi, kỹ năng bán hàng và nhận các sản phẩm cụ thể để bán, ví dụ như bán thuốc, thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp, …
Bạn sẽ được % hoa hồng rất hấp dẫn từ việc bán các sản phẩm. Nếu xây dựng được đại lý tuyến dưới, sẽ còn được thăng cấp và nhận thêm các phần thưởng hệ thống.
Mô hình này ai cũng được nổ với các danh xưng mỹ miều như thủ lĩnh, boss, chuyên gia marketing, chủ tịch, CEO hay đại lý bán hàng (thực tế chỉ là 1 cá nhân, để sản phẩm ở nhà, chứ đại lý gì ở đây =)) ).
Thực chất mô hình bán hàng theo hệ thống này là gì?
Sản phẩm chỉ là bình phong che đậy cho mô hình đa cấp mà thôi. Một sản phẩm để bán ra được thị trường, ngoài chất lượng thì còn cả 1 quy trình marketing, logistics rộng lớn nữa, mà còn chưa chắc đã có lời, chứ chưa nói đến lãi cao.
Các sản phẩm này thực chất có đầy rẫy trên thị trường, chúng ta có thể mua được với giá rẻ hơn nhiều từ các cửa hàng, thương hiệu uy tín như nhà thuốc, siêu thị, …
Những sản phẩm của hệ thống đa cấp thường là những sản phẩm không bán ra được thị trường mà chỉ xả từ trên xuống dưới trong hệ thống. Tuyến trên úp bô tuyến dưới. =))
Người dưới ôm hàng rồi không bán được, hoặc thấy quá khó bán hàng, thế là lại đi tuyển đại lý cấp dưới mình để tiếp tục xả hàng lên đầu tuyến dưới lừa được đó. Để phục vụ cho việc này, các sản phẩm đa cấp thường có giá bán cao gấp nhiều lần sản phẩm tương đương ngoài thị trường. Để tiện thưởng % hoa hồng và tìm đại lý mà.
Ví dụ 1 lọ thuốc ho chỉ 70-80k, nhưng để bán được trong hệ đa cấp thì họ đã tăng lên mức 150~250k/ lọ.
Ví dụ: Oriflame, Amway, Lô Hội, Nuskin, G24, …
So sánh mô hình kim tự tháp và mô hình Ponzi
Khái niệm mô hình kim tự tháp cũng xuất hiện khá nhiều, vậy mô hình này có mối quan hệ như thế nào với mô hình Ponzi?
Giống nhau giữa mô hình kim tự tháp và Ponzi là gì
- Đều là đa cấp, lừa đảo
- Người đứng đầu giàu nhất mà không phải bỏ nhiều công sức nhất.
- Càng đầu tư lớn, càng rủi ro lớn, bị mất càng nhiều tiền
- Người đứng đầu mô hình có thể ôm tiền và lặn mất tăm!
Khác nhau giữa mô hình kim tự tháp và Ponzi là gì
Mô hình |
Kim tự tháp |
Ponzi |
Phương thức hoạt động |
Kiếm lợi nhuận chủ yếu từ việc tìm đại lý phân phối phía dưới để đẩy hàng cho cấp dưới, chứ không thể kiếm lợi nhuận bằng việc bán sản phẩm ra thị trường. |
Nhận lợi nhuận khủng, và hoa hồng giới thiệu người mới hấp dẫn |
Phí tham gia |
Tiền nhập hàng về để bán |
Không cần, chỉ cần bỏ vốn đầu tư |
Lợi nhuận |
Lừa được người mới (thường gọi là đại lý phân phối) để xả hàng lên và ăn chênh lêch hoặc hoa hồng. |
Trích % từ tiền đầu tư của người mới lừa được. Hoa hồng hệ thống. |
Nguồn gốc lợi nhuận |
Kiếm chênh lệch giá bán bằng việc xả hàng cho nhà phân phối bên dưới. |
Tiền người sau trả cho người trước. |
Sụp đổ |
Lâu, vì nếu không có người mới thì hệ thống vẫn hoạt động được. Tìm được người để xả hàng thì được tiền, còn không thì ế hàng và chịu đói. |
Chậm hơn mô hình kim tự tháp, vì thường thu hút được đông đảo người tham gia. |
Cách phòng tránh bị lừa đảo đa cấp Ponzi
Các bạn có thể dễ dàng tự phòng tránh bị vướng vào các đường dây đa cấp lừa đảo bằng các biện pháp sau:
- Nâng cao kiến thức đầu tư, bán hàng, kinh doanh
- Luôn đặt ra nghi vấn trước các cơ hội ngon ăn. Ví dụ: Ngon như vậy sao chính họ không đổ tiền vào mà làm? Sao không đi mời anh em họ hàng nhà chúng nó vào đầu tư mà phải rao trên mạng? Lợi nhuận đến từ đâu? Lợi nhuận so với ngân hàng có quá cao không?
- Chỉ tin vào các căn cứ xác thực, không tin vào các thông tin được vẽ ra hoặc bơm thổi.
- Tìm hiểu rõ thông tin dự án, thông tin công ty, sản phẩm, …
- Đọc các kiến thức đầu tư chân chính, ví dụ Beat Tiền Ảo cung cấp rất nhiều kiến thức đầu tư về lĩnh vực crypto, blockchain chân chính và bổ ích.
Kết luận
Trên đây Beat Tiền Ảo đã giới thiệu khá đầy đủ và ngắn gọn dễ hiểu về hình thức đa cấp lừa đảo theo mô hình Ponzi là gì.
Mọi thắc mắc cần giải đáp bạn đừng ngần ngại hỏi qua khung bình luận bên dưới hoặc:
- Facebook Fanpage: BEAT TIỀN ẢO
- Email: [email protected]
- Twitter: https://twitter.com/@beattienao
- Đừng quên like, share, vote kiến thức hay cho bạn bè nhé!
Tags: Mô hình Ponzi là gì? Dấu hiệu nhận biết lừa đảo đa cấp. Lừa đảo đa cấp. Lừa đảo Ponzi. Đa cấp bán hàng. Đa cấp tiền ảo.